A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa Pháp đã chết?

Có một vấn đề. Tất cả những cây sồi oai nghi được đốn hạ trong khu rừng văn hoá Pháp này hầu như chẳng có vang vọng gì trong thế giới rộng bên ngoài. Đã từng có thời sự tuyệt diệu thống ngự của các nhà văn, hoạ sĩ, và nhà soạn nhạc Pháp được hâm mộ, nhưng nước Pháp ngày nay chỉ còn là một quyền lực tàn phai trong thị trường văn hoá toàn cầu. Đó là một đề xuất đặc biệt nhạy cảm ngay lúc này, khi một vị tổng thống mạnh mẽ mới là Nicolas Sarkozy, quyết tâm phục hồi vị thế của Pháp trên thế giới. Khi đến chuyện văn hoá, ông cũng phải chịu các khuôn khổ thôi.
 

30.1.2008

Don Morrison

Cái chết của văn hoá Pháp

Nguyễn Tiến Văn dịch

 

Minh hoạ của Jonathan Burton


Ngày lại ngày càng ngắn dần. Một cơn gió lạnh thổi tao tác những lá rơi, và nhiều sớm mai các vườn nho loang sương giá. Tuy thế suốt cả nước Pháp cuộc sống lại bừng sống dậy: năm 2007 đang vào mùa thu hoạch. Và vụ mùa năm nay thật là bội thu. Ít nhất 727 cuốn tiểu thuyết mới, khả quan hơn con số 683 cho mùa thu năm ngoái. Hàng trăm dĩa nhạc tuyển mới và mấy chục cuốn phim mới. Những cuộc triển lãm nghệ thuật đại tráng ở tất cả các viện bảo tàng lớn. Những chương trình tinh khôi về những buổi hoà nhạc, ca kịch, kịch nói tại những sảnh đường và những thính phòng thanh lịch điểm tô cho các thành phố ở Pháp. Mùa thu ở nhiều nước mang nhiều ý nghĩa, nhưng ở Pháp nó báo hiệu một năm mới về văn hoá. Và không đâu người ta coi trọng văn hoá hơn ở Pháp. Dân Pháp tài trợ cho văn hoá một cách hào sảng. Họ chiều đãi nó với hạn ngạch và miễn thuế. Các phương tiện truyền thông gánh cho văn hoá bao la về thời lượng quảng bá và chiều dài các cột tin. Ngay những tạp chí thời trang cũng đăng bài điểm sách nghiêm túc, và sự loan báo giải thưởng Goncourt - chỉ là một trong số hơn 900 giải thưởng văn học - cũng là tin trên trang nhất khắp báo chí toàn quốc (Năm nay giải này phát cho cuốn Bài ca Alabama của tác giả Gilles Leroy). Mọi thị trấn Pháp bất cứ kích cỡ nào cũng đều có lễ hội ca kịch và kịch nói hàng năm, và gần như mọi nhà thờ đều có trình tấu đại phong cầm hoặc nhạc thính phòng.

Có một vấn đề. Tất cả những cây sồi oai nghi được đốn hạ trong khu rừng văn hoá Pháp này hầu như chẳng có vang vọng gì trong thế giới rộng bên ngoài. Đã từng có thời sự tuyệt diệu thống ngự của các nhà văn, hoạ sĩ, và nhà soạn nhạc Pháp được hâm mộ, nhưng nước Pháp ngày nay chỉ còn là một quyền lực tàn phai trong thị trường văn hoá toàn cầu. Đó là một đề xuất đặc biệt nhạy cảm ngay lúc này, khi một vị tổng thống mạnh mẽ mới là Nicolas Sarkozy, quyết tâm phục hồi vị thế của Pháp trên thế giới. Khi đến chuyện văn hoá, ông cũng phải chịu các khuôn khổ thôi.

Chỉ dăm cuốn trong số tiểu thuyết mới của mùa này tìm được một nhà xuất bản ngoài nước Pháp. Trong một năm tiêu biểu, chưa tới một tá (12) tiểu thuyết đó sang được Hoa Kì, trong khi khoảng 30% toàn thể sách truyện văn học được bán ở Pháp là được dịch từ tiếng Anh ra. Con số bách phân này cũng gần tương đương với tình trạng ở Đức, nhưng ở nơi này tổng số những bản dịch tiếng Anh giảm gần một nửa trong vòng thập niên vừa qua trong khi nó đang tăng gia ở Pháp. Những nhà văn thuộc các thế hệ trước - từ Molière, Hugo, Balzac, và Flaubert tới Proust, Sartre, Camus, và Malraux - không thiếu giới độc giả ở nước ngoài. Thực vậy, Pháp tự hào cả về tác giả được giải Nobel văn học - hơn bất cứ nước nào khác - nhưng người gần nhất được giải năm 2000, nhà văn Cao Hành Kiện, viết bằng tiếng Trung Quốc.

Kĩ nghệ điện ảnh của Pháp, lớn nhất thế giới trước đây một thế kỉ, chưa bắt lại được sự kiện mất Đợt sóng Mới (La nouvelle vague) vào thập niên 1960, khi những đạo diễn như François Truffaut và Jean-Luc Goddard soạn thảo lại quy luật của điện ảnh. Pháp vẫn còn cho ra lò khoảng 200 phim mỗi năm, hơn bất cứ nước nào ở châu Âu. Nhưng hầu hết phim của Pháp đều dễ thương, ngân quỹ thấp dễ thoả mãn thị trường trong nước. Phim của Hoa Kì chiếm gần nửa số vé bán ra ở các rạp chiếu bóng tại Pháp. Mặc dù phim nội địa trong những năm gần đây đã đuổi theo cho kịp, nhưng phim mơ hồ mang dấu Pháp duy nhất thành công thương mại huy hoàng ở Hoa Kì năm nay là phim sôi động Ratatouille (Hầm bà lằng) – úi , phim này do Pixar thực hiện ở Hoa Kì.

Khung cảnh hội hoạ ở Paris, sinh quán của Ấn tượng, Siêu thực, và nhiều chủ nghĩa chủ chốt khác, đã bị thế chỗ, ít nhất trong phạm vi thương mại, bằng thành phố New York và London. Các nhà đấu giá ở Pháp chỉ kết toán khoảng 8% mọi số bán công cộng về nghệ thuật đương đại, so với 50% ở Hoa Kì , và 30% ở Anh – theo sự tính toán của Alain Quemin, một nhà nghiên cứu ở Đại học Marne-La-Vallée. Trong một sự tính toán thường niên của tạp chí Đức mang tên Kapital (Tư bản), Hoa Kì và Đức mỗi nước có 4 trong số 10 hoạ sĩ được trưng bày nhiều nhất thế giới; Pháp không có một người nào. Một nghiên cứu Artprice (Nghệ giá) về thị trường nghệ thuật đương đại năm 2006 thấy rằng các tác phẩm của hoạ sĩ châu Âu dẫn đầu – là Damien Hirst của Anh – bán giá trung bình là 180.000 Mĩ kim. Hoạ sĩ Pháp đứng đầu trong danh sách, là Robert Combas, đạt được 7.500 Mĩ kim cho mỗi tác phẩm.

Pháp tất nhiên cũng có những nhà soạn nhạc và nhạc trưởng tiếng tăm quốc tế, nhưng không có ai tương đương với những khuôn mặt khổng lồ của thế kỉ 20 như Debussy, Satie, Ravel, và Milhaud. Về âm nhạc bình dân, các ca sĩ nam và nữ của Pháp như Charles Trenet, Charles Aznavour, và Edith Piaf trước kia được lắng nghe khắp thế giới. Ngày nay ca sĩ Mĩ và Anh thống trị khung cảnh nhạc bình dân. Mặc dù năm ngoái kĩ nghệ âm nhạc Pháp số bán ra trị giá 1,7 tỉ Mĩ kim về đĩa và lệ phí tải nhạc từ mạng xuống, rất ít người trình diễn nổi danh ngoài biên giới nước Pháp. Đố mau: xin bạn nêu tên một ngôi sao nhạc Pháp mà không mang tên Johnny Hallyday.

Vóc dáng văn hoá suy giảm của Pháp chỉ là một trong những quan tâm thường ngày của cả nước – giống như sinh suất thấp ở Ý, hoặc đam mê rượu vodka ở Nga – nếu Pháp không phải là Pháp. Đây là một đất nước mà sự thăng tiến ảnh hưởng văn hoá đã từng là quốc sách trong nhiều thế kỉ, nơi những triết gia gây dị nghị và những viện bảo tàng mới chói loá là những biểu tượng của niềm kiêu hãnh và lòng ai quốc. Hơn thế nữa, Pháp đã dẫn đầu lời viện dẫn về một sự “biệt lệ văn hoá” để cho phép các chính phủ ngăn cản các sản phẩm giải trí nước ngoài trong khi tài trợ cho sản phẩm trong nước. Các viên chức Pháp, vốn tin tưởng rằng sự bảo vệ như thế là thiết yếu để cứu vãn sự đa phức văn hoá khỏi sự xô lấn của Hollywood, đã từng lên án phim Công viên kỉ Jura (Jurassic Park) năm 1993 của Steven Spielberg là “một sự đe doạ cho căn cước Pháp”. Họ thành công trong việc phong thần cho quan niệm “biệt lệ văn hoá” trong một thoả ước năm 2005 của UNESCO, và thường xuyên tranh thủ cho nó trong những thương thảo mậu dịch quốc tế.


Cường điệu cái tích cực

Thêm nữa, nước Pháp từ lâu tự đảm nhiệm “sứ mệnh khai hoá” (mission civilisatrice) để cải thiện cả đồng minh lẫn thuộc địa. Năm 2005, chính phủ Pháp còn chỉ thị cho các trường trung học ở Pháp dạy về “vai trò lịch sử” của chủ nghĩa thực dân Pháp, tức là thăng tiến dân bản xứ. (Nghị định này sau đó bị bãi bỏ). Giống như một quốc gia nào đó khác mà những nguyên lí lập quốc nảy sinh từ thời kì Khai sáng thế kỉ 18, nước Pháp không e dè về những giá trị của mình. Như Tổng thống Sarkozy nhận xét gần đây. “Tại Hoa Kì và Pháp, chúng ta nghĩ tư tưởng của mình có vận mệnh là soi sáng thế giới”.

Sarkozy đang hăm hở theo đuổi vận mệnh đó. Vị tổng thống mới này đã cam kết thúc đẩy không phải chỉ nền kinh tế, đạo đức lao động, và vị thế ngoại giao của nước Pháp – ông còn hứa hẹn sẽ “canh tân và đào sâu hoạt động văn hoá của nước Pháp”. Những chi tiết còn là phác hoạ, nhưng chính phủ Pháp đã đề nghị chấm dứt thu lệ phí vào thăm các viện bảo tàng, và trong khi cắt giảm ngân sách ở chỗ khác, lại nâng ngân sách của Bộ Văn hoá thêm 3,2%, lên đến 11 tỉ Mĩ kim.

Việc những cố gắng như thế có tác động nhiều đến tầm nhìn ở nước ngoài hay không là chuyện khác. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 9 vừa qua cho tạp chí Le Figaro, trong 1310 người Mĩ chỉ có 20% coi văn hoá là một địa hạt mà nước Pháp xuất sắc, thua xa nghệ thuật nấu ăn. Sự trông chờ trong nước cũng thấp. Rất nhiều người Pháp tin rằng đất nước và văn hoá của mình đã suy thoái kể từ - lấy một thời điểm: 1940 và sự chiếm đóng ô nhục của Đức; 1954, khởi sự cuộc tranh chấp chia rẽ về Algérie; 1968, năm cách mạng mà những người bảo thủ như Sarkozy bảo rằng đã đưa đất nước vào sự kiềm chế của một thế hệ mới xuề xoà hơn đã chôn vùi những tiêu chuẩn về giáo dục và cư xử.

Đối với người Pháp thuộc mọi màu sắc chính trị, chủ nghĩa suy thoái (déclinisme) là một chủ đề nóng hổi trong những năm gần đây. Tiệm sách đầy những lời ta thán của những cuốn mang tựa đề Nước Pháp sụp đổ, Hoang địa vĩ đại, Chiến tranh giữa hai nước Pháp, và Giai cấp trung lưu vật vờ. Những vị khách mời tới những chương trình trò chuyện trên truyền hình và những nhà bình luận báo chí chê bai số phận tàn phai của nước Pháp, và ngay cả sự thất bại của đội bóng bầu dục nước này tại giải thế giới – tổ chức năm nay ở Pháp – được nhai lại như một chỉ dấu về sự tàn lụi của quốc gia. Nhưng hầu hết những lời ta thán này liên can đến nền kinh tế, và sự thăng cao của Sarkozy phần lớn là do ông hứa hẹn sẽ chăm sóc nó.

Sự suy thoái văn hoá là một khiếm khuyết khó nhận định – và đối phó – hơn. Theo truyền thống, đó là một truyền thống của phe hữu, nó nói đến sự nuối tiếc của một số người Pháp về một xã hội mực thước, thứ cấp hơn là thế kỉ 19 và nửa đầu thế kỉ 20. Một cách nghịch lí thay, cái xã hội cứng ngắc như quần áo hồ cứng đó lại gợi hứng nhiều cho cái sinh lực văn hoá tiếp sau của nước Pháp. Christophe Boïcos, một giảng viên về nghệ thuật và chủ một phòng tranh ở Paris nói: “Nhiều hoạ sĩ Pháp được tạo ra dễ đối kháng với hệ thống giáo dục. Những kẻ theo các chủ nghĩa Lãng mạn, Ấn tượng, Hiện đại — là những người nổi loạn chống lại các tiêu chuẩn hàn lâm đương thời của họ. Nhưng các tiêu chuẩn ấy rất cao và đã đóng góp vào tính chất đầy ấn tượng của những hoạ sĩ nổi dậy chống đối chúng”.


Vết nhơ của ba hoa

Phẩm chất, dĩ nhiên, là ở trong mắt của người xem – cũng như ngay cả ý nghĩa của văn hoá (culture). Từ ngữ này nguyên thuỷ quy chiếu về sự tăng trưởng của sinh vật, như trong nông nghiệp (agriculture). Sau cùng nó bao gồm cả sự trao dồi nghệ thuật âm nhạc, thi ca, và những theo đuổi “văn hoá cao cấp” (haute culture) khác của một giới ưu tú kiêu hãnh. Trong thời hiện đại, các nhà nhân loại học và xã hội học đã nới rộng từ ngữ “văn hoá” để bao gồm cả hào hứng “văn hoá cấp thấp” của đại chúng, cũng như hệ thống đẳng cấp, tập tục chôn cất, và những hành vi khác.

Người Pháp muốn ôm đủ mọi mặt. Chính phủ Pháp chi ra 1,5% GDP để hỗ trợ một loạt rộng các sinh hoạt văn hoá và giải trí (so với chỉ 0,7% ở Đức; 0,5% ở Anh; và 0,3 ở Hoa Kì). Bộ Văn hoá Pháp với 11.200 nhân viên, hào phóng chi tiền cho những rường cột “văn hoá cao cấp” như viện bảo tàng, ca kịch viện, và lễ hội kịch nghệ. Nhưng bộ này cũng chỉ định một Bộ trưởng Nhạc Rock’n’Roll trong thập niên 80 để giúp Pháp cạnh tranh với Anh - Mĩ (mà không thành công). Tương tự như thế, quốc hội Pháp năm 2005 bỏ phiếu để ấn định món patê gan như một phần của di sản văn hoá quốc gia xứng đáng phải bảo vệ.

Trợ cấp văn hoá ở Pháp thì tràn lan. Những nhà sản xuất chỉ cần cho ra bất cứ phim nào không khiêu dâm là có thể xin được một khoản tiền ứng trước của chính phủ đối phó với thu nhập bán vé (hầu hết các khoản nợ chẳng bao giờ được hoàn trả đầy đủ). Tiền thu được từ khoản thuế 11% về vé điện ảnh được chuyển hoàn lại vào khoản trợ cấp. Canal Plus là kênh truyền hình phải trả tiền hàng đầu trong nước, phải chi 20% lợi nhuận vào việc mua bản quyền chiếu các phim của Pháp. Theo luật định, 40% các màn trình chiếu trên truyền hình và âm nhạc trên truyền hình phải là của nước Pháp. Có những hạn ngạch riêng rẽ chi phối những giờ ưu tiên để bảo đảm rằng chương trình của Pháp không bị xếp giáng xuống vào nửa đêm. Chính phủ cũng cung ứng những khoản miễn thuế đặc biệt cho những người hoạt động tự do trong những nghệ thuật trình diễn. Các hoạ sĩ và nhà điêu khắc có thể xin được trợ cấp cho không gian sáng tác. Nhà nước cũng điều hành một chương trình ẩn bóng từ Bộ Ngoại giao vượt qua hẳn những nỗ lực văn hoá của các nước lớn khác. Pháp gửi đi nhiều chuyến máy bay chở hoạ sĩ, người trình diễn và các tác phẩm của họ ra nước ngoài và trợ cấp cho 148 đoàn thể văn hoá, 26 trung tâm nghiên cứu, và 176 đoàn khảo cổ ra hải ngoại.

Với tất cả những lợi thế ấy, tại sao những quà tặng văn hoá của nước Pháp không khấm khá hơn ở ngoại quốc? Một vấn đề là phần nhiều những món này sử dụng tiếng Pháp, hiện thời chỉ đứng thứ 12 trong các ngôn ngữ phổ biến nhất (tiếng Trung đứng đầu, thứ nhì là tiếng Anh). Tệ hơn nữa, những cơ quan chính về phê bình và quảng cáo văn hoá – tức bộ máy nhiễu âm toàn cầu – ngày càng đặt căn cứ ở Hoa Kì và Anh. Quemin nói: “Trong các thập niên 1940 và 1950, ai ai cũng đều biết Pháp là trung tâm của khung cảnh nghệ thuật, và bạn phải tới đây để được mọi người chú ý. Ngày nay bạn phải tới New York”.

Một vấn đề khác có thể là các khoản trợ cấp, mà những nhà phê bình bảo là chúng củng cố sự tầm thường. Trong cuốn sách được thảo luận rộng rãi năm 2006 Về văn hoá ở Mĩ (On Cultutre in America) của cựu tuỳ viên văn hoá Pháp là Frédéric Martel, tác giả ngạc nhiên là sao Hoa Kì có thể sản xuất nhiều văn hoá “cao cấp” với phẩm chất cao sang đến thế mà chẳng mấy nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ. Ông kết luận là những chính sách trợ cấp như của Pháp làm nản lòng những người đóng góp tư nhân – và tiền bạc – vào không gian văn hoá. Martel nhận xét: “Nếu không thấy Bộ Văn hoá ở đâu cả, thì đời sống văn hoá ở khắp mọi nơi”.

Những nhà phê bình khác cảnh giác rằng bảo vệ các kĩ nghệ văn hoá là thu hẹp sức quyến rũ của chúng. Với một thị trường nội địa được bao che bằng hạn ngạch và rào cản ngôn ngữ, các nhà sản xuất Pháp có thể thịnh vượng mà không cần bán ra hải ngoại. Chỉ 1 trong 4 phim của Pháp xuất khẩu được qua Hoa Kì, chỉ 1 trong 3 phim qua được Đức. Quemin nói: “Nếu Pháp là nước duy nhất có thể quyết định cái gì là nghệ thuật, cái gì không, thì nghệ sĩ Pháp rất là thành công. Nhưng chúng ta không phải là tay chơi duy nhất, vậy nên nghệ sĩ của ta phải học ngó ra bên ngoài”.

Một số khía cạnh của dân tộc tính cũng có thể đóng một vai trò. Sự trừu tượng và lí thuyết từ lâu đã được đề cao trong đời sống trí tuệ ở Pháp và nhấn mạnh ở nhà trường. Không nơi nào mà khuynh hướng này hiển hiện rõ hơn trong tiểu thuyết Pháp, hiện còn đang chịu khổ vì phong trào tiểu thuyết mới (nouveau roman) mang tính nội quan của thập niên 1950. Nhiều người trong những tiểu thuyết gia Pháp được giới phê bình kính nể nhất viết loại văn hư cấu súc tích và thanh lịch nhưng không đi được mấy ra nước ngoài. Nhưng kẻ khác thì thực hành cái mà người Pháp gọi là autofiction (tự hư cấu) – tức là hồi kí chỉ được che đậy phớt và không ngại ngần đắm mình sâu vào bản ngã. Nữ sĩ Christine Angot nhận được giải thưởng Prix de Flore cho cuốn tiểu thuyết mới nhất Rendez-vous (Gặp mặt), là một mổ xẻ triệt để nội quan về những mối tình của mình. Một trong số vài nhà văn Pháp được xuất bản rộng rãi ở nước ngoài là Michel Houellebecq, được biết đến chủ yếu là vì sự thù ghét đàn bà, thù ghét con người và sự ám ảnh về dục tính. François Busnel, một giám đốc biên tập của tạp chí phổ thông giới thiệu sách (riêng ở Pháp) là tờ Lire (Đọc) nói: “Ở Mĩ, nhà văn muốn làm việc chăm chỉ và thành công. Còn các nhà văn Pháp thì nghĩ rằng họ phải là trí thức”.

Ngược lại, tiểu thuyết nước ngoài – đặc biệt các tiểu thuyết hiện thực, có chủ đề - bán chạy ở Pháp. Những tác giả Anh viết tiểu thuyết có cốt truyện thôi thúc như William Boyd, John le Carré, và Ian McEwan quá sức đại diện trên các danh mục sách bán chạy ở Pháp, trong khi những nhà văn Mĩ như Paul Auster và Douglas Kennedy được coi như những người con nuôi. Kennedy nói: “Đây là một nơi mà văn học vẫn được coi là nghiêm túc. Nhưng nếu bạn xem đến tiểu thuyết Mĩ, nó xử lí tình huống Mĩ, trong cung cách này hoặc khác. Các nhà tiểu thuyết Pháp sản sinh những thứ lí thú, nhưng việc họ không chịu làm là ngó vào nước Pháp”. Cuốn tiểu thuyết Người đàn bà ở đường số 5 (The Woman in the Fifth) của Kennedy là một cuốn sách bán chạy gần đây trong bản dịch tiếng Pháp.

Điện ảnh Pháp cũng mắc vào phức cảm tiểu thuyết mới. Marc Levy, vốn là một trong những tiểu thuyết gia Pháp có sách bán chạy nhất, nói một cách dí dỏm: “Phim Pháp tiêu biểu của thập niên 80 và 90 thường có một dúm người ngồi ăn trưa và bất đồng ý kiến với nhau. (Cuốn Et si c’était vrai... [Phải chi đúng thế...] được xuất bản trong bản dịch tiếng Anh với tựa đề If Only It Were True, trở thành cuốn phim năm 2005 của Hollywood Just Like Heaven [Hệt như thiên đàng] với các diễn viên Reese Witherspoon và Mark Ruffalo). “Một giờ rưỡi sau, họ vẫn còn ngồi ăn bữa chiều, và có vài người đồng ý trong khi mấy người khác thì bất đồng”. Nước Pháp ngày nay có thể làm những phim trơn tru và thành công về thương mại – như Amélie, Anh em của sói – nhưng đối với nhiều người nước ngoài thì vết nhơ ba hoa vẫn còn dai dẳng.


Hồi sau

Làm sao để Pháp lại trở thành một người khổng lồ về văn hoá?

Một nơi dễ bắt đầu là hệ thống giáo dục, nơi một chuỗi những cải cách trong nhiều năm đã chen chúc xô các bộ môn nghệ thuật ra khỏi giáo trình. Pierre Rosenberg, một cựu giám đốc Viện Bảo tàng Louvre than: “Người ta học đọc ở nhà trường, mà không học nhìn”. Để đạt mục đích ấy, Sarkozy đã đề nghị một sự mở rộng các giảng khoá lịch sử nghệ thuật cho học sinh trung học. Ông cũng hứa hẹn những biện pháp để lôi cuốn nhiều học sinh hơn theo đuổi chương trình tú tài ban văn học. Trước đây từng là môn học phổ thông nhất, ngày nay khoa học và kinh tế – xã hội được lựa chọn vượt xa hẳn văn học. Bộ trưởng Giáo dục là Xavier Darcos nói: “Chúng ta cần những người có văn học, những học sinh làm chủ được tiếng nói và lí trí. Họ bao giờ cũng là nhu yếu”.

Sarkozy gửi một làn gió buốt tới giới trí thức Pháp mùa hè vừa qua khi kêu gọi một sự “dân chủ hoá” về văn hoá. Nhiều người xem đó có ý nghĩa là chính sách văn hoá phải đặt nền tảng trên những sức mạnh thị trường, không phải trên những phán đoán chuyên môn về giá trị. Với nhiều địch thủ quan trọng hơn phải đối đầu – đáng kể là các nghiệp đoàn công chức được vỗ về – Sarkozy hẳn là không chọn giao tranh về trợ cấp văn hoá, là thứ vẫn được dân chúng ủng hộ rộng rãi.

Nhưng chính phủ rất có thể thử tìm cách gây dựng sự tham gia của tư nhân bằng cách châm chế với hệ thống thuế khoá. Chuyên gia về nghệ thuật là Boïcos nói: “Ở Hoa Kì, bạn có thể tặng một bức tranh cho một viện bảo tàng và được khấu trừ toàn phần. Ở đây nó bị giới hạn hơn. Ở đây chính phủ làm những quyết định quan trọng. Nhưng nếu khu vực tư nhân can dự nhiều hơn và các thiết chế văn hoá có quyền tự trị nhiều hơn thì nước Pháp có thể trải qua một sự phục hoạt nghệ thuật lớn. Việc Tổng thống Sarkozy bổ nhiệm bà Christine Albanel làm Bộ trưởng Văn hoá xem như một lá phiếu cho sáng kiến cá nhân: với tư cách giám đốc Điện Versailles, bà đã xây đắp những tặng khoản tư nhân và hợp tác với doanh nghiệp. Viện Bảo tàng Louvre đã đi một bước xa hơn bằng cách cấp môn bài hữu hiệu thông qua việc cho những chi nhánh ở Atlanta và Abu Dhabi được mang tên của mình.

Một công tác còn khó khăn hơn là thay đổi suy tư của người Pháp. Mặc dù thật hiểm nghèo khi tổng quát hoá về 60 triệu con người, vẫn có một luồng mạch trong khuôn khổ đầu óc dân Pháp là nghi ngại sự thành công về thương mại. Những thăm dò dư luận cho thấy là nhiều thanh niên Pháp ước mong làm cho chính phủ hơn là tạo sự nghiệp trong kinh doanh. Quemin nói: “Người Mĩ nghĩ là nếu hoạ sĩ thành công thì họ phải là giỏi. Chúng ta nghĩ rằng nếu họ thành công thì phải quá nặng tính cách thương mại. Thành công bị coi là thị hiếu tồi”.

Đồng thời sự suy nghĩ của những nước khác cũng phải cập nhật hoá. Nước Anh nước Đức, và đặc thù là Hoa Kì quá tập trung vào xuất phẩm văn hoá khổng lồ của họ đến nỗi thường có khuynh hướng làm ngơ về nước Pháp. Guy Walter, giám đốc trung tâm văn hoá Villa Gillet ở Lyon nói: “Khi tôi nêu một cuốn tiểu thuyết Pháp mới và vĩ đại cho một nhà xuất bản ở New York, người ta bảo tôi rằng nó quá đặc thù Pháp. Nhưng người Mĩ không đọc tiếng Pháp, vậy nên họ không thực sự biết”.

Những gì các người nước ngoài đó thiếu mất là văn hoá Pháp đang sống động lạ kì. Điện ảnh Pháp ngày càng giàu tưởng tượng và dễ tiếp cận. Thử xem những phim như Taxi của Luc Besson và Gérard Krawczyk, một chuỗi vui nhộn những hài kịch hành động theo phong cách Hongkong; hoặc xem những tác phẩm vừa thông minh vừa hài lòng quần chúng như phim L’Auberge espagnole (Quán trọ Tây Ban Nha) của Cédric Klapisch và phim The beat that my heart skipped (Tim tôi lỡ nhịp), của Jacques Audiard, cả hai đều ăn khách trên vòng chiếu nghệ sảnh nước ngoài. Các tiểu thuyết gia Pháp ngày càng tập trung vào nơi này và lúc này: một trong những cuốn sách lớn trong mùa văn học năm nay là cuốn L’Aube le soir ou la nuit (Bình minh chiều hay đêm) của nữ sĩ Yasmina Reza là về chiến dịch tranh cử mới đây của Sarkozy. Một cuốn kiệt xuất khác là À l’abri de rien (Không chở che gì), đề cập đám di dân ở trại tị nạn tai tiếng Sangatte. Những hoạ sĩ hoạt hình BD của Pháp (bandes dessinées) chịu ảnh hưởng manga (mạn hoạ) của Nhật đã khiến Pháp thành một nước đứng đầu trong thể loại nóng hổi nhất của văn học: tiểu thuyết bằng tranh. Các ca sĩ như Camille Benjamin Biolay, và Vincent Delerm đã làm sống lại ca khúc (chanson). Các nghệ sĩ hip-hop như MC Solaar người gốc Sénégal, Diam, người gốc đảo Cyprus, và Abd el Malik, con trai của những di dân Congo đã bắt lấy tiếng lóng nói lái ngược (verlan) trên đường phố và biến nó thành một thoại bản sắc bén hơn, thi vị hơn của lối nhạc rap của Hoa Kì.

Nơi đó có thể chứa chất sự trở lại vinh quang toàn cầu của nước Pháp. Những sắc tộc ít người đầy phẫn nộ và nhiều tham vọng của Pháp đang dấn thân vào văn hoá khắp nơi. Pháp đã trở thành một chợ phiên bazaar đa sắc tộc về nghệ thuật, âm nhạc, và văn viết từ những vùng ngoại ô và những gốc hẻo lánh của thế giới không phải da trắng. Âm nhạc các châu Phi, Á, và Mĩ Latinh có được không gian bán lẻ ở Pháp có lẽ hơn bất cứ nước nào khác. Phim ảnh từ Afghanistan, Argentina, Hungary và những miền đất xa xôi khác tràn đầy các rạp hát. Những tác gia mọi nước đang được dịch ra tiếng Pháp và, không thể trách được, sẽ ảnh hưởng lên thế hệ kế tiếp các nhà văn Pháp. Mặc dù mọi hạn ngạch và trợ cấp, Pháp vẫn là thiên đàng cho những kẻ am tường các nền văn hoá nước ngoài. Marjane Satrapi, một người gốc Iran mà phim của bà dựa vào cuốn truyện bằng tranh tựa đề Persepolis là đại diện cho Pháp ứng tuyển giải Oscar năm 2008 loại phim nước ngoài hay nhất, phát biểu: “Pháp vẫn luôn luôn là nước mà người ta có thể tới từ bất cứ đất nước nào và lập tức khởi sự vẽ và viết bằng tiếng Pháp – hoặc ngay cả không bằng tiếng Pháp – Sự giàu có của nước Pháp dựa trên phẩm chất đó”.

Và cái khiến một quốc gia vĩ đại là gì nếu không phải là sự tiếp bồi sinh lực mới từ những vùng biên giới? Hãy nới rộng định nghĩa về văn hoá một chút, và bạn sẽ thấy ba lãnh vực trong đó nước Pháp xuất sắc nhờ hấp thu những ảnh hưởng bên ngoài. Một là, Pháp có thể lập luận là lãnh đạo thế giới về thời trang những dây trời sắc bén của những người thiết kế lịch duyệt thế giới. Hai là, nghệ thuật nấu ăn của Pháp – xây dựng trên nền tảng của Ý và ngày càng thêm các truyền thống châu Á – vẫn là mẫu mực toàn cầu. Ba là, nghệ thuật cất rượu nho của Pháp đang sử dụng những kĩ thuật phát triển ở ngoài nước để giữ được thanh danh xuất sắc khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các vùng trồng nho mới hơn. Thật hùng hồn, rất nhiều cây nho của Pháp từ lâu được ghép vào những gốc chiết kháng bệnh từ Hoa Kì, trong số khắp nơi: Guy Walter ở trung tâm văn hoá Villa Gillet nói: “Chúng ta phải chấp nhận cái may rủi của sự toàn cầu hoá. Chúng ta phải chào đón thế giới bên ngoài”.

Jean-Paul Sartre, người khổng lồ trong văn học Pháp sau Thế chiến 2, viết vào năm 1946 để cám ơn Hoa Kì về Hemingway, Faulkner, và những nhà văn khác đã ảnh hưởng lên tiểu thuyết Pháp – nhưng là những người mà người Mĩ đang khởi sự coi là đương nhiên. Ông hứa: “Chúng tôi sẽ gửi lại các bạn những kĩ thuật mà các bạn đã cho chúng tôi mượn. Chúng tôi sẽ gửi chúng lại sau khi đã tiêu hoá, trí thức hoá, giảm phần hữu hiệu, và giảm tàn nhẫn – được thích nghi một cách ý thức theo thị hiếu Pháp. Bởi sự trao đổi không ngừng này, là cái làm cho những quốc gia khám phá lại nơi những quốc gia khác những gì họ đã phát minh đầu tiên và rồi loại bỏ, có lẽ các bạn sẽ khám phá lại trong những cuốn sách [Pháp] mới này sự thanh xuân vĩnh hằng của ‘già’ Faulkner”.

Như vậy là thế giới sẽ khám phá lại cái sự thanh xuân vĩnh hằng của nước Pháp, một quốc gia mà sự tìm kiếm vinh quang trong lâu dài đã làm mài nhọn sự đánh giá tinh tế về nghệ thuật vay mượn. Và khi những đầu óc quy ước hơn của thiết chế văn hoá Pháp – cùng với những đối tác tự quan tâm nước ngoài – thôi loay hoay về sự suy thoái và bắt đầu hoan hô những chất men vùng biên cảnh nước Pháp sẽ phục hồi tiếng tăm như một quyền lực văn hoá, một miền đất mà mỗi mùa mới đều mang lại một vụ gặt thiên tài.


Viết với báo cáo từ Paris của Grant Rosenberg.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas

 

Nguồn: The Death of French Culture”, Time, 27.11.2007

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12140&rb=0306


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan